Cả tin, hám lợi, hàng chục nạn nhân đã “dâng” cho Đặng Thị Ngoan ít thì vài chục triệu, nhiều thì lên đến gần 3,7 tỉ đồng. Chỉ khi Ngoan vỡ nợ, các nạn nhân mới cuống cuồng khởi kiện.
Giả chữ ký lãnh đạo để lừa đảo
Với ngoại hình dễ gần và cách nói chuyện thủ thỉ như rót mật vào tai người khác, lại được gắn cái mác cán bộ văn thư kiêm thủ quỹ, phụ việc tại Ban Tài chính UBND thị trấn Anh Sơn (huyện Anh Sơn, Nghệ An), Đặng Thị Ngoan đã sắp xếp một kịch bản lừa đảo hoàn hảo. Nạn nhân của Ngoan lên đến 14 người, hầu hết là những người thân quen. Tổng số tiền Ngoan lừa đảo của những người này nên đến 4,5 tỉ đồng.
Bị cáo Đặng Thị Ngoan (SN 1983, trú tại xã Phúc Sơn, huyện Anh Sơn) có lẽ là bị cáo “đỏm dáng” nhất mà tôi đã từng gặp. Đứng trước vành móng ngựa, thị mặc áo sơmi màu xanh ôm gọn khuôn người, quần âu sơ vin gọn gàng, đi giày cao gót, đeo dây chuyền, hoa tai vàng. Thị trả lời câu hỏi của các thẩm phán hết sức lễ phép và gọi những nạn nhân của mình là dì, là cô.
Nạn nhân lớn nhất của Đặng Thị Ngoan cũng chính là cô giáo cũ của thị, chị Nguyễn Thị Hoa - giáo viên Trường THCS Phúc Sơn. Lợi dụng mối quan hệ cô - trò, lại biết chồng cô Hoa vừa đi nước ngoài về, Ngoan đến nhà đặt vấn đề xin vay tiền với lý do để bù quỹ phục vụ công tác kiểm tra của đoàn thanh tra UBND huyện Anh Sơn với số tiền 350 triệu đồng, kiểm tra xong Ngoan sẽ hoàn trả lại cho vợ chồng cô Hoa, lãi suất mỗi ngày 5.000 đồng/triệu. Đến hẹn Ngoan đến nhà trả đầy đủ 350 triệu tiền gốc kèm theo 50 triệu tiền lãi.
Cuối tháng 9/2010, Ngoan trình cho cô Hoa quyết định phê duyệt đầu tư xây dựng chợ Trung tâm thị trấn Anh Sơn với số vốn lên đến 10 tỷ đồng và nỉ non: “Nếu có tiền thì cô chú đầu tư vào đây, cô chú sẽ được thu tiền thuế chợ, được sử dụng tầng 2 của chợ, muốn kinh doanh gì cũng được”. Sau đó, với lý do UBND thị trấn đang cần tiền, Ngoan đặt vấn đề vay hộ cho UBND thị trấn 3,5 tỉ đồng trong vòng 20 ngày, lãi suất 300 triệu.
Cô Hoa đồng ý và hẹn Ngoan ngày đến nhận. Để củng cố lòng tin của nạn nhân, Ngoan đưa cho vợ chồng cô Hoa xem một bản hợp đồng vay tiền mặt có chữ ký của Chủ tịch UBND thị trấn Anh Sơn Bùi Đăng Lý, Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Thành. Bên dưới hợp đồng vay nợ có dấu xác nhận của UBND thị trấn Anh Sơn. Tin tưởng vào giấy tờ Ngoan mang đến, vợ chồng chị Hoa đưa tiền và viết giấy biên nhận cho Ngoan.
Đến hẹn không trả được, Ngoan lại đưa cho nạn nhân 1 tờ giấy khất nợ có con dấu và chữ ký của lãnh đạo UBND thị trấn hẹn đến ngày 31/3/2010 sẽ trả đầy đủ. Đến hẹn, Ngoan lại nghĩ ra một chiêu mới để móc tiền cô giáo của mình. Ngoan cho biết hiện tiền đã được Kho bạc huyện Anh Sơn chuyển về cho UBND thị trấn, muốn rút được tiền mặt, chị Hoa phải đưa cho Ngoan 200 triệu đồng để... "chạy".
Nghe nói thế, vợ chồng chị Hoa đưa cho Ngoan 190 triệu đồng. Đợi mãi không thấy tiền được chuyển vào tài khoản, vợ chồng chị Hoa tiếp tục đòi. Ngày 15/4/2010, Ngoan đưa đến cho vợ chồng chị Hoa 1 giấy khất nợ cuối cùng, hẹn đến ngày 30/4/2010 sẽ trả đủ 4 tỉ đồng. Tổng cộng cả 4 lần vay, Ngoan đã chiếm đoạt của gia đình chị Nguyễn Thị Hoa gần 3,7 tỉ đồng.
Chị Nguyễn Thị Hoa lắc đầu chua xót: “Cứ nghĩ tình cô trò, Ngoan không nỡ lừa nên tôi cứ mù quáng tin và cho Ngoan vay. Hơn 3,5 tỉ đồng cho Ngoan vay là toàn bộ vốn liếng của chồng tôi 15 năm lao động ở bên Séc và số tiền cậu em chồng đang ở bên đó gửi về nhờ giữ hộ. Giờ thật tình vợ chồng tôi không biết làm thế nào với khoản nợ 30.000 euro của em chồng nữa”.
Khi vụ việc bị vỡ lở, Công an huyện Anh Sơn đã kiểm tra và giám định chữ ký đồng thời lấy lời khai của ông Bùi Đăng Lý và ông Nguyễn Văn Thành. Kết quả, chữ ký của 2 cán bộ UBND thị trấn Anh Sơn đã bị Ngoan làm giả. Không những thế, để củng cố lòng tin của nạn nhân, Ngoan còn lấy trộm con dấu của UBND thị, làm giả 2 tờ giấy rút dự toán ngân sách của UBND thị trấn và tự ký tên với chức danh kế toán trưởng.
Nguồn: dantri.com.vn