7h15 sáng nay, gần 700.000 thí sinh khối A, V đã dự thi môn Toán. Nhằm đảm bảo tính nghiêm túc, Bộ Giáo dục sẽ sử dụng phần mềm tuyển sinh để sàng lọc thí sinh thi hộ, thi kèm.
Từ 5h30 sáng, trên đường phố Hà Nội, nhiều phụ huynh đã đưa con em đi thi. Tại các trường, nhiều thí sinh đang tranh thủ ôn lại lần cuối những kiến thức môn Toán. Thời tiết Hà Nội nắng nóng, nhưng dưới 35 độ C.
Có mặt tại các điểm thi từ 6h, đội thanh niên tình nguyện và cảnh sát giao thông đã hỗ trợ kịp thời cho thí sinh. Tại các tuyến phố đi qua trường đại học không có tình trạng tắc nghẽn. Đinh Văn Hùng, sinh viên năm nhất ĐH Xây dựng cho biết, đội tình nguyện tại điểm thi của cậu bắt đầu làm việc từ 2/7, tìm kiếm nhà trọ cho thí sinh và dán giấy hướng dẫn ở trường thi.
"Chúng em còn hỗ trợ cảnh sát giao thông phân luồng, hướng dẫn người dân đi lại, dựng xe đúng chỗ để đường được thông thoáng nhất. May mắn là sáng nay khu vực này không xảy ra tắc nghẽn", Hùng nói.
Gương mặt lo lắng, tay cầm bật lửa hơ khô chiếc máy tính cầm tay, ông Phạm Tiến Minh (Hải Dương) cho biết, do ở nhờ nhà người cháu ở tận Cầu Diễn (Từ Liêm) nên hai bố con ông đã phải khởi hành từ 5h15. Đến điểm thi trên đường Đội Cấn, do sơ ý nên cô con gái đã làm rơi chiếc máy tính vào vũng nước mưa trên sân trường.
"Tôi chỉ có chiếc bật lửa nên cố làm khô, hơ một lúc rồi mà vẫn không thấy máy khởi động lại được", ông Minh nói, nỗi lo lắng hiện rõ trên khuôn mặt hai bố con.
Cũng thi vào ĐH Xây dựng, thí sinh Phan Đặng Thái Dương (Thái Bình) ngơ ngác tìm người giúp đỡ. Cậu cho biết, do hôm qua ở quê ra muộn, 11h mới đến điểm thi làm thủ tục, lúc đó hết người nên cậu không được nhận thẻ dự thi. Đội bảo vệ khu vực thi đã nhanh chóng dẫn Dương lên phòng ban chỉ đạo để được giải quyết.
Tại ĐH Giao thông Vận tải, với lượng thí sinh thi đợt 1 là hơn 15.000 nên từ 6h sáng khu vực này đã nhộn nhịp người, xe. Đội tình nguyện phân thành nhiều nhóm chỉ dẫn thí sinh và hướng dẫn giao thông. Dù ở đoạn đường hẹp và gần bến trung chuyển Cầu Giấy nhưng ở đây cũng không có tắc nghẽn.
Ông Lê Hoài Đức, Trưởng phòng công tác Chính trị sinh viên của trường cho biết, trong buổi sáng chưa có trường hợp nào bị mất giấy tờ hoặc thẻ dự thi. Những thiếu sót của thí sinh đã được hoàn tất vào hôm qua. "Giao thông, y tế, các điều kiện khác cũng đã chuẩn bị chu đáo để thí sinh làm bài tốt nhất", ông Đức cho hay.
Tại TP HCM, cơn mưa đêm qua giúp thời tiết sáng nay mát mẻ hơn, tạo tâm lý dễ chịu hơn cho thí sinh bước vào ngày thi đầu tiên. Tại các hội đồng thi, lực lượng thanh niên tình nguyện túc trực trước các cổng trường để phát bánh mì và hướng dẫn cho thí sinh tìm phòng thi.
Lo lắng tình trạng kẹt xe diễn ra ở thành phố nên hầu hết phụ huynh, thí sinh đều có mặt tại các hội đồng thi từ rất sớm. Đến trường từ 5h30, Phan Khắc Đạo thí sinh đến từ Đắk Lắk cho biết, nhà trọ cũng gần trường, nhưng hai cha con muốn đến trường sớm cho yên tâm.
"Xuống Sài Gòn từ hôm 30, nhưng em vẫn chưa quen với môi trường ở đây. Thời tiết nắng nóng, đường phố xe cộ ồn ào em không học được. Ở được một hôm lại phải kiếm nhà trọ khác nên hai cha con cũng vất vả", Đạo tâm sự.
Chị Đỗ Thị Hằng, một phụ huynh ở Củ Chi (TP HCM) cho hay phải dậy từ lúc 3h sáng để chuẩn bị đồ ăn sáng cho con. "Thấy con vất vả, mình cũng mất ăn mất ngủ, tất cả vì con cái nên mình phải cố gắng".
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo tuyển sinh đại học, cao đẳng, năm nay cả nước có gần 1.000 điểm thi và hơn 25.500 phòng thi. Tổng số thí sinh làm thủ tục dự thi là hơn 680.000 (chiếm gần 75% tổng số hồ sơ đăng ký), hồ sơ ảo của kỳ thi năm nay là gần 220.000 bộ.
Ngoài những cách kiểm tra thông thường bằng sự can thiệp của giám thị, đối chiếu hình ảnh trên thẻ dự thi với thí sinh, quan sát phòng thi, năm nay Bộ Giáo dục Đào tạo còn sử dụng phần mềm tuyển sinh chung cho tất cả các trường. Sau khi nhập số liệu, bằng các thao tác kiểm tra, Bộ sẽ phát hiện được những thí sinh nào cùng một thời điểm có mặt ở nhiều nơi, hoặc cùng một người (trùng thông tin) nhưng kết quả thi lại chênh lệch quá lớn.
Năm nay, Bộ Giáo dục cũng chủ trương không cử thanh tra của Bộ làm thanh tra ủy quyền và thanh tra cắm chốt mà giao lại vị trí này cho thanh tra của các đại học. Thanh tra Bộ sẽ tổ chức thành các đoàn lưu động, kiểm tra tại nhiều điểm khác nhau. Thanh tra lưu động có thể chủ động xử lý các sự cố mà không cần gọi về Ban chỉ đạo thi.
VnExpress